
Do hạt giống cây thuốc khá đắt, nên giá thành mỗi cây giống cũng cao, vì vậy cần lưu ý khi trồng cây:
Trồng cây gieo từ vườn ươm: Cần phải bảo vệ toàn bộ rễ cây khi nhổ cây, tốt nhất dùng các nông cụ phù hợp như dầm, cọc đánh cây…
để phá kết cấu đất tại chỗ của cây giống. Nhất thiết phải trồng để cho bộ rễ được thẳng đứng, vì thế khi bổ hốc trồng cây cần sử dụng dụng cụ thích hợp (trong nhiều trường hợp có thể dùng luôn dầm hoặc cọc đào cây), sau đó lấp đất cẩn thận. Khi đặt cây xuống hố nên dùng hai ngón tay nhấc nhẹ theo hướng thẳng đứng cho rễ cây thẳng ra, lấp đất bột vào xung quanh rễ, nếu cây to, rễ quá dài khi lấp được một nửa hố trồng có thể tưới cho nước ngấm vào bộ rễ giúp cho toàn bộ rễ tiếp xúc được với đất. Trường hợp cây có nhiều lá, hay lá quá to, nên cắt bớt lá hoặc một phần lá để tránh sự thoát hơi nước nhiều hơn so với khả năng hút nước còn hạn chế của rễ cây ở thời kỳ mới trồng. Ngay sau khi trồng cây, nhất thiết phải tưới đủ ẩm, vào các ngày nắng nhiều cần che cho cây mới trồng. Nên trồng cây vào buổi chiều. Cần thiết phải trồng cây khi cây con vườn ươm vừa đến tuổi trồng, không nên trồng sớm quá hoặc muộn quá ảnh hưởng đến tỷ lệ sống của cây và năng suất sản lượng sau này.
Đối với những cây gieo ở bầu, trong quá trình trồng, cấy sẽ giảm bớt những thao tác phức tạp. Dỡ bầu nhẹ nhàng khỏi mặt đất, trường hợp có những rễ dài, mọc ra ngoài bầu cần nhẹ nhàng gỡ sao cho bộ rễ của cây vẫn đảm bảo được nguyên vẹn, dùng dao sắc để cắt lớp nilon hoặc xé bỏ khỏi bầu một cách an toàn cho cây và cho hình dạng bầu, tránh để phần đất của bầu bị vỡ vụn, nứt rạn. Khi đặt cây xuống hố trồng ta dùng tay bê nhẹ bầu, tránh làm vỡ bầu.
ảnh: Cây chùm ngây được trồng trong bầu
Đối với cây thuốc lưu niên trồng như một số cây lâm nghiệp, công nghiệp, cây ăn quả khác. Phần lớn cây thuốc hiện nay đang được trồng trên diện tích lớn của nước ta đều xuất phát từ di thực, nhập nội từ Trung Quốc, Triều Tiên, Nhật Bản, Ấn Độ, Liên Xô (trước đây)… hoặc từ hoang dại đưa vào trồng trọt nên rất nhạy cảm với biện pháp kỹ thuật hết sức quan trọng đầu tiên là thời vụ gieo trồng. Các cây có nguồn gốc ôn đới gần như đều có thời vụ gieo trồng vào cuối mùa thu để thời gian sinh trưởng chính của cây vào giữa hè hoặc ở vùng mát là đầu thu như đương quy, bạch chỉ, ngưu tất, trạch tả, cúc gai dài, huyền sâm, lão quan thảo… Thời vụ là biện pháp kỹ thuật rất quan trọng đối với cây trồng đặc biệt là đối với cây thuốc, sớm hay muộn 15 ngày về thời vụ có thể làm năng suất giảm đến 30 – 40%. Mật độ khoảng cách trồng đối với cây thuốc cũng cần được hết sức lưu ý. Ngoài ra yếu tố năng suất dược liệu (củ, rễ, hoa lá, cành hoặc toàn thân). Ở cây thuốc, chất lượng và hàm lượng hoạt chất có trong dược liệu được quan tâm hàng đầu, có nghĩa là điều kiện để cây thuốc tích lũy được nhiều hoạt chất cũng hết sức quan trọng. Khác với cây trồng khác, ngoài năng suất dược liệu, chất lượng đảm bảo, hình dáng, màu sắc bề ngoài của dược liệu – sản phẩm của quá trình trồng cây thuốc cũng cần được chú ý. Củ nhân sâm có hình dáng 2 tay, 2 chân và “thân người” được người đời huyền bí nâng tầm quan trọng lên gấp bội so với củ nhân sâm có rễ phát triển, hình dáng bình thường. Củ đương quy, bạch chỉ, độc hoạt v.v… phải có dạng củ “cà rốt” mới được giá, ngưu tất phải có màu trắng ngà, củ dài thuôn đều mới có giá trị thương phẩm cao v.v… Tất cả các chỉ tiêu trên một phần phụ thuộc khoảng cách, mật độ trồng cây.
ảnh: cây đinh lăng được trồng trong bầu
Chế độ, phương pháp và chủng loại phân bón đối với cây thuốc cũng đóng vai trò quan trọng, phần lớn cây thuốc có động thái tích lũy hoạt chất trong một thời gian dài, vì thế những loại phân bón có cơ chế tác động nhanh, phân hóa học, phân bón qua lá… đều không thích hợp đối với nhiều cây thuốc. Các loại cây thuốc đều có nhu cầu phân chuồng gấp 1,5 lần các loại cây trồng khác. Phương pháp và chế độ bón phân đối với cây thuốc cũng cần được lưu ý, đảm bảo tuyệt đối không tồn dư hóa chất như NO3- (từ phân đạm) hay một số kim loại nặng (từ phân bón, nước tưới đối với dược liệu).
Thuốc bảo vệ thực vật sử dụng đối với cây thuốc cũng phải được quan tâm đúng mức, thời gian phun thuốc phải cách thời điểm thu hái
dược liệu ở mức độ cho phép tuyệt đối an toàn. Nên dùng các loại thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, thảo mộc và các loại thuốc không bị cấm sử dụng.
Ưu tiên phát triển trồng cây thuốc sạch, an toàn hoặc theo chương trình G.A.P (Good Agricultural Practice), phòng trừ sâu bệnh theo IPM (các biện pháp phòng trừ tổng hợp).
Chăm bón đối với cây thuốc: Câu ca dao “công trồng là công bỏ, công làm cỏ là công ăn” đều đúng với tất cả các loại cây trồng, đối với cây thuốc càng cần được chăm bón chu đáo, theo một quy trình chặt chẽ. Đặc biệt là chế độ làm cỏ, xới xáo, bón phân, phòng trừ sâu bệnh và thu hái sơ chế biến.
Kỹ thuật trồng cây thuốc (2013) TSKH Nguyễn Minh Khởi, TS Nguyễn Văn Thuận – ThS. Ngô Quốc Luật cùng các nhà khoa học khác của Viện dược liệu