
DIỆP HẠ CHÂU ĐẮNG
Tên khoa học: Phyllanthus amarus Schum.
Họ: Thầu dầu (Euphorbiaceae).
Tên khác: Chó đẻ răng cưa, chó đẻ thân xanh.
Tên vị thuốc: Diệp hạ châu.
Phần I: Đặc điểm chung
a. Nguồn gốc, phân bố
Diệp hạ châu đắng có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới Nam Mỹ. Cây phân bố rải rác khắp các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Ở châu Á, vùng phân bố của diệp hạ châu đắng gồm các nước Ấn Độ, Malaysia, Philippin, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Lào, Việt Nam, Nam Trung Quốc và cả ở vùng đảo Salawesi. Ở Việt Nam, diệp hạ châu đắng mọc rải rác khắp nơi, từ các tỉnh ở vùng đồng bằng, ven biển, các đảo lớn đến các tỉnh ở trung du và miền núi, có độ cao dưới 800 m. Ở các nước Đông Nam Á, độ cao phân bố của diệp hạ châu đắng có thể lên tới a.000 m.
b. Đặc điểm thực vật
Cây thảo, cao 40 – 70 cm, ít phân cành, màu lục. Lá mọc so le, xếp hai dải đều trên cành trông như một lá kép lông chim, gốc tròn, đầu tù hơi nhọn, hai mặt nhẵn, mặt trên màu xanh lục sẫm, mặt dưới nhạt. Hoa đơn tính, mọc ở kẽ lá, không có cánh hoa, màu lục nhạt, hoa đực có cuống ngắn, xếp ở dưới hoa cái, hoa cái có cuống dài. Quả nang, hình cầu, nhẵn, hơi dẹt, chia thành 3 mảnh vỏ, mỗi mảnh có hai van chứa 2 hạt, hạt hình tam giác, đường kính 1 mm, có cạnh dọc và vằn ngang. Mùa hoa: Tháng 4 – 6, mùa quả tháng 7 – 9.
c. Điều kiện sinh thái
Diệp hạ châu đắng là cây ưa sáng, có thể hơi chịu bóng khi còn nhỏ hoặc mọc xen lẫn với những loại cây cỏ khác. Cây thường mọc ở nơi đất ẩm trong vườn, ruộng trồng hoa màu, ven đường đi hay trên nương rẫy. Cây con mọc từ hạt, thường xuất hiện vào khoảng cuối mùa xuân, sinh trưởng nhanh trong vòng 2 tháng của mùa hè, sau đó ra hoa quả và tàn lụi. Vòng đời của cây chỉ kéo dài 3 – 4 tháng, hạt của diệp hạ châu đắng tồn tại trên mặt đất 7 – 8 tháng vẫn còn sức nẩy mầm.
d.Giá trị làm thuốc
Bộ phận sử dụng: Toàn cây, thu hái quanh năm, dùng tươi hoặc phơi khô, sấy khô.
Công dụng: Cây diệp hạ châu đắng có tác dụng tiêu độc, lợi tiểu, sát trùng, thông huyết, điều kinh, thanh can…, thường được dùng làm thuốc chữa các bệnh đau gan, đau thận, bệnh về đường tiết niệu, đường ruột, lở ngứa ngoài da.
Ngày dùng từ 8g đến 16g, sắc uống. Dùng ngoài: Lấy cây tươi giã nát, đắp vào chỗ lở loét.
Phần II: Kỹ thuật trồng trọt
a. Chọn vùng trồng
Diệp hạ châu là cây ưa sáng, ưa ẩm nhưng không chịu được ngập úng. Cây diệp hạ châu đắng thích hợp với nhiều loại đất, đất trồng tốt
nhất là đất tơi xốp, nhiều mùn và giàu dinh dưỡng, đất đủ ẩm và thoát nước tốt. Có thể trồng ở cả vùng đồi thấp, trung du, miền núi. Nhiệt độ thích hợp cho cây sinh trưởng là 25 – 30oC.
Chọn đất có độ pH từ 5,5 – 7,5, đất dốc <15o hoặc có thể trồng dưới tán – độ che phủ <20%. b. Giống và kỹ thuật làm giống Giống: Diệp hạ châu được nhân giống bằng hạt. Kỹ thuật làm hạt giống: Hạt giống được thu từ cây khỏe mạnh, 2 – 3 tháng tuổi, làm sạch tạp chất, sàng sẩy và chọn các hạt giống có màu nâu vàng. Hạt được phơi khô trong nắng nhẹ cho đến khi độ ẩm <10%, sau đó bảo quản hạt trong túi nilon ngoài túi xi măng. Nếu có điều kiện nên bảo quản ở kho lạnh (Bảo quản ở điều kiện thường tỷ lệ nảy mầm của hạt sẽ giảm dần theo thời gian bảo quản, ở điều kiện bảo quản trong kho lạnh, hạt có thể giữ được tỷ lệ nảy mầm cao trên 70% trong 5 năm). Kỹ thuật làm cây giống: • Hạt giống có thể gieo thẳng ra ruộng khi ruộng trồng đã được làm sạch cỏ dại, làm đất nhỏ và lên luống. Trộn đều hạt giống + cát + thuốc trừ kiến theo tỷ lệ 1:5:1 rồi tiến hành gieo hạt. Gieo vãi đều trên mặt luống, xoa nhẹ mặt luống cho lấp hạt, dùng rơm rạ che phủ rồi tưới nước để giữ ẩm cho đất. Sau gieo hạt cần cung cấp đủ nước duy trì độ ẩm >80% trong 5 – 7 ngày. Hạt diệp hạ châu sẽ mọc sau 5 -7 ngày, sau 10 ngày có thể bỏ vật liệu che phủ. Khi cây con có 3 – 4 lá thật cần tỉa bỏ những cây yếu, chỉ để lại đủ mật độ 20 x 20 cm.
• Gieo vườn ươm: Trộn đều hạt với cát và thuốc kiến theo tỷ lệ 1
5 : 1, đất vườn ươm được làm sạch cỏ, tơi xốp và phẳng mặt luống sau đó mới gieo hạt.
Diện tích vườn ươm 1ha có thể cung cấp đủ lượng giống cho 5 – 7 ha.
Sau 20 – 25 ngày gieo ở vườn ươm, cây giống có thể đem trồng ra ruộng sản xuất nếu đạt tiêu chuẩn.
• Cây giống có chiều cao từ 7 – 10cm đem trồng ra ruộng là tốt nhất. Tỉa lần lượt cây giống đủ tiêu chuẩn sau đó lại tưới nước và bổ sung dinh dưỡng cho những cây nhỏ cho đến khi đạt tiêu chuẩn lại tiếp tục đem trồng.
• Lượng giống sử dụng cho 1ha: 2 – 3kg.
c. Thời vụ trồng
• miền Bắc, thời vụ thích hợp nhất để trồng diệp hạ châu đắng từ tháng 4 đến tháng 10. Cây con mọc từ hạt vào cuối mùa xuân sinh trưởng nhanh trong mùa hè và tàn lụi vào giữa mùa thu. Nếu trồng diệp hạ châu đắng muộn hơn, cây hay bị bệnh phấn trắng làm giảm năng suất và chất lượng dược liệu.
• miền Trung và miền Nam có thể trồng quanh năm (do không bị giai đoạn có nhiệt độ quá thấp).
d. Kỹ thuật làm đất
• Đất trồng diệp hạ châu đắng ở vùng đồng bằng hoặc nơi bằng phẳng được cày bừa kỹ, tơi xốp, đánh luống rộng 0,9 – 1,2 m, cao 20 – 25 cm, rãnh rộng 30 – 40 cm, thoát nước tốt.
• Nếu trồng ở vùng đồi dốc có thể đánh luống theo đường đồng mức hoặc trồng xen dưới tán, có thể làm luống hoặc không, tuy nhiên vẫn phải đảm bảo ruộng trồng thoát nước tốt.
e. Mật độ, khoảng cách trồng
Tùy thuộc vào dinh dưỡng đất trồng để lựa chọn mật độ trồng thích hợp.
Mật độ: 250.000 cây/ha, trồng khoảng cách 15 x 20 cm.
Hoặc mật độ: 300.000 cây/ha, trồng khoảng cách 15 x 15 cm.
============================
Kỹ thuật trồng cây thuốc (2013) TSKH Nguyễn Minh Khởi, TS Nguyễn Văn Thuận – ThS. Ngô Quốc Luật cùng các nhà khoa học khác của Viện dược liệu