
CỎ NGỌT
Tên khoa học: Stevia rebaudiana (Bert.) Hemsl.
Họ: Cúc (Asteraceae).
Tên khác: Cúc ngọt, cỏ đường.
Tên vị thuốc: Cỏ ngọt.
Phần I: Đặc điểm chung
a. Nguồn gốc, phân bố
Cây cỏ ngọt có nguồn gốc ở các vùng Nam Mỹ (Paraguay), được du nhập vào Việt Nam từ năm 1988. Cỏ ngọt đã thích ứng với những vùng khí hậu khác nhau của nước ta, sinh trưởng tốt tại Lâm Ðồng, Hòa Bình, Hà Nội, Hà Tây, Vĩnh Phú, Bắc Giang…
b. Đặc điểm thực vật
Cây thảo nhỏ, sống nhiều năm, cao 0,5 – 0,6 m, có khi đến 1,0 m. Thân cứng mọc thẳng, có rãnh dọc và nhiều lông mịn, ít phân nhánh. Lá mọc đối, hình mác hoặc bầu dục, gốc thuôn, đầu tù hoặc hơi nhọn, dài 5 – 7 cm, rộng 1,0 – 1,5 cm, có 3 gân, 4 – 6 đôi răng nhọn ở phần nửa về phía đầu lá, hai mặt có lông trắng mịn, nhấm lá thấy có vị ngọt rất đậm, cuống lá rất ngắn. Hoa lưỡng tính, tụ họp thành đầu màu trắng ở ngọn thân. Quả bế, không có mào lông, hạt không có nội nhũ. Mùa hoa tháng 5 – 9.
c. Điều kiện sinh thái
Cỏ ngọt là cây ưa ẩm và ưa sáng, có thể chịu bóng, ưa bóng vào thời kỳ cây con. Cỏ ngọt được thấy trồng tại rất nhiều quốc gia. Ở Việt Nam, cỏ ngọt phát triển tốt vào vụ xuân – hè. Về mùa đông cây ở miền Bắc có hiện tượng rụng lá và lụi. Nhiệt độ từ 25oC – 30oC thích hợp nhất để cỏ ngọt sinh trưởng và phát triển.
b. Giá trị làm thuốc
Bộ phận sử dụng: Toàn bộ phần trên mặt đất của cây cỏ ngọt được sử dụng làm thuốc.
Công dụng: Cỏ ngọt được dùng trong y học có tác dụng là chất thay thế đường cho bệnh nhân tiểu đường, hạ huyết áp, lợi tiểu, có tác dụng chữa béo phì, kết hợp được với nhiều bài thuốc y học dân tộc.
Phần II: Kỹ thuật trồng trọt
a. Chọn vùng trồng
Cỏ ngọt có thể trồng trên nhiều loại đất, tốt nhất là trồng trên đất phù sa, đất cát pha của châu thổ đồng bằng sông Hồng, nhiều mùn, thoát nước, có tầng canh tác dầy. Cây trồng thích hợp nhất là đất thịt pha cát, độ mùn cao, pH 6,0 – 7,0 hoặc đất hơi có tính kiềm.
a. Giống và kỹ thuật làm giống
Cỏ ngọt có thể nhân giống bằng nhiều phương pháp. Nhân giống từ hạt có tỷ lệ nảy mầm thấp, cây sinh trưởng chậm và sức sống kém. Nhân giống bằng nuôi cấy mô cho số lượng cây lớn và chất lượng đồng đều, chủ yếu để tạo nguồn cây giống gốc có chất lượng cao, nhưng đầu tư ban đầu lớn. Trong sản xuất, chủ yếu áp dụng phương pháp giâm cành truyền thống.
Kỹ thuật nhân giống bằng cành
– Vườn ươm: Cát non được lên luống rộng 1,0 – 1,2m, cao 15 – 20cm, vườn ươm được che phủ 1 lớp nilon và 1 lớp lưới đen để che mưa và nắng cho cây con. Trước khi giâm, giá thể vườn ươm phải được xử lý bằng vôi bột hoặc các thuốc trừ nấm bệnh trong đất như: Carbendazim 80WP hoặc Mancozeb 80WP với nồng độ 3-5% tưới đều lên mặt luống chuẩn bị giâm cây.
– Cành giâm: Chọn cành ngọn mập từ cây mẹ khoẻ mạnh, 3 – 4 tháng tuổi, dài từ 5 – 7 cm, có 4 – 5 đôi lá. Nhúng cành giâm vào thuốc kích thích ra rễ thông dụng trong 2 – 3 giây, để ráo nước sau đó giâm vào cát. Hàng ngày tưới nước giữ ẩm (duy trì độ ẩm 80 – 85 %), cành giâm bắt đầu ra rễ sau 5 – 7 ngày. Trong thời gian cây trong vườn ươm thường xuyên kiểm tra và phun thuốc trừ bệnh cho cây – sử dụng thuốc Ricide 72 WP nồng độ 0,1 – 0,2% phun định kỳ 5 ngày/lần, phun ướt đều toàn bộ cành giâm. Sau 15 – 20 ngày, chiều cây cao đạt 15 cm, có từ 7 – 9 đôi lá, bộ rễ phát triển mạnh. Lúc này có thể đưa cây ra ruộng trồng.
– Lưu ý: Các điều kiện nhiệt độ, ẩm độ không khí, và kỹ thuật giâm cũng ảnh hưởng lớn đến khả năng ra rễ cũng như sự sinh trưởng của cành giâm.
b. Thời vụ trồng
Cỏ ngọt có thể trồng tốt nhất vào vụ xuân và vụ thu khi thời tiết ấm và mát nhiệt độ không quá thấp hoặc quá cao.
∙ Ở miền Bắc thời vụ trồng cỏ ngọt tốt nhất vào tháng 2 – 3, khi
nhiệt độ không khí thấp hơn 15 – 20oC. Trồng muộn hơn cây sớm ra hoa, ảnh hưởng tới năng suất.
∙ Cỏ ngọt cho thu hoạch quanh năm, thời điểm thu hoạch cao nhất từ tháng 4 – 10. Cỏ ngọt trồng một lần có thể cho thu hoạch trong 2 – 3 năm.
c. Kỹ thuật làm đất
Đất trồng cỏ ngọt được cày bừa kỹ làm sạch cỏ dại và thường được xử lý bằng vôi bột và các thuốc diệt nấm gây hại trong đất như sử dụng nấm đối kháng Trichodecma lượng 8 – 10kg/sào Bắc bộ, trộn với phân chuồng bón lót trước khi làm luống từ 10 – 15 ngày.
. Làm luống rộng từ 80 – 100cm, chiều cao luống 25 – 30 cm, cần làm luống dễ thoát nước. Mặt luống được san phẳng và làm đất nhỏ mịn, giống như đất trồng rau
d. Mật độ và khoảng cách trồng
Đặc tính dinh dưỡng của cây cỏ ngọt phụ thuộc vào nhiều yếu tố: Điều kiện thời tiết, độ phì của đất, điều kiện thâm canh của từng vùng nên có thể lựa chọn mật độ thích hợp. Đất có độ phì cao nên trồng dày, đất đồi, gò, đất xấu nên trồng thưa hơn.
Mật độ: 130.000 cây /ha.
Khoảng cách trồng: 25 x 30 cm.
e. Phân bón và kỹ thuật bón phân
Cây cỏ ngọt là cây thuộc họ Cúc, có bộ rễ chùm rất khoẻ, phàm ăn lại cho thu hoạch nhiều lứa trong năm, do đó cây cần một lượng dinh dưỡng rất lớn. Cần bón cân đối lượng N, P; K và bổ sung các chất trung vi lượng mới đem lại kết quả cao nhất. Không nên bón đạm nhiều quá làm tăng lượng nitrat trong lá và giảm hàm lượng đường trong cây.