
CÀ ĐỘC DƯỢC
Tên khoa học: Datura metel L.
Họ: Cà (Solanaceae).
Tên khác: Mạn đà la (Hán); Cà diên, cà lục lược (Tày).
Tên vị thuốc: Cà độc dược.
Phần I: Đặc điểm chung
a. Nguồn gốc, phân bố
Chi Datura L. có khoảng 15 loài phân bố khắp các vùng nhiệt đới và các vùng ấm khác trên thế giới. Ở Việt Nam có ít nhất là 4 loài: Bao gồm cà độc dược – Datura metel L., cà dược lùn – D. tatula L. là cây mọc hoang dại, và 2 loài được nhập nội là cà dược dài – D. suaveolens Humb.et Bonpl L. gốc Mexico và Peru và loài cà Hung – D. innoxia Mill. được nhập từ Hungari năm 197d. Cà độc dược phân bố rộng rãi khắp nơi từ vùng núi thấp đến trung du và đồng bằng ven
biển. Cây thường mọc ở những nơi đất ẩm ở vườn hoặc quanh nhà, hoặc những bãi hoang ven đường. Một số tỉnh có nhiều cà độc dược mọc hoang như Ninh Thuận, Nghệ An, Thanh Hóa, Thái Bình, Ninh Bình, Vĩnh Phú… nhưng trữ lượng không đáng kể.
• Đặc điểm thực vật
Cây nhỏ, sống lâu năm cao 1,0 – 1,5 m. Thân nhẵn hoặc gần như nhẵn, gốc hóa gỗ, phân cành nhiều, màu lục hoặc tím tía. Lá mọc so le, gốc có phiến lệch, đầu nhọn, mép lượn sóng, mặt trên xanh lục thẫm, mặt dưới nhạt, hai mặt lá nhẵn hoặc có rất ít lông ở mặt dưới, cuống lá dài 2 – 3 cm, có khi đến 5 cm. Hoa mọc riêng lẻ ở kẽ lá, có cuống ngắn; đài hình trụ có 5 phiến; tràng rất dài có 5 cánh hoa hàn liền, xếp nếp ở trong nụ, khi nở xoè ra hình phễu, màu trắng, đốm tím hoặc hơi vàng ở mặt ngoài; đầu cánh hoa có mũi nhọn cong; nhị dài bằng tràng, chỉ nhị đính vào ống tràng đến tận giữa. Quả nang, hình cầu, mọc nghiêng, có gai ngắn, đường kính 2,5 cm, khi chín nứt ở đỉnh thành những mảnh không đều nhau; đài tồn tại hình đĩa gập xuống; hạt nhiều, dẹt, nhăn nheo, màu vàng nâu. Mùa hoa quả: Tháng 5 – 10.
c. Điều kiện sinh thái
Cà độc dược là cây 2 – 3 năm, ưa ẩm và ưa sáng, mọc ở những bãi đất hoang hoặc ven đường đi, cây chịu hạn nhưng không chịu ngập úng. Ở điều kiện khí hậu ôn hoà, mát mẻ, nhiệt độ trung bình từ 15 – 30oC cây sinh trưởng và phát triển mạnh.
d. Giá trị làm thuốc
Bộ phận sử dụng: Lá, hoa phơi hay sấy khô.
Công dụng: Các chế phẩm của cà độc dược được dùng làm thuốc chống co thắt cơ trơn, chữa hen suyễn, viêm phế quản, viêm loét dạ dày, dùng làm thuốc tiền mê, chữa nhiễm độc các chất ức chế men cholinesteraza (như khí độc sarin), chữa một số trường hợp bệnh parkinson, nhồi máu cơ tim cấp tính và chậm nhịp tim. Trong nhãn khoa, atropin là thuốc giãn đồng tử trong một số xét nghiệm mắt và
thuốc nhỏ mắt chữa viêm màng bồ đào. Scopolamin được dùng điều trị co thắt dạ dày – ruột, phòng ngừa say tàu xe.
Trong y học cổ truyền, ngoài công dụng bình suyễn, cà độc dược còn được dùng làm thuốc gây mê, chữa đau cơ, da tê dại, hàn thấp, cước khí. Dùng ngoài, đắp tại chỗ chữa mụn nhọn, giảm đau nhức.
Phần II: Kỹ thuật trồng trọt
a. Chọn vùng trồng
Cà độc dược có khả năng thích ứng rộng nên trồng được nhiều vùng từ miền núi, trung du đến đồng bằng. Đất hơi có tính axit hoặc kiềm nhẹ đều có thể trồng cà độc dược.
Nên chọn đất ở vùng không bị ô nhiễm và thành phần kim loại nặng không vượt quá ngưỡng cho phép. Không nên trồng cà độc dược vào ruộng trước đó trồng cây họ cà.
b. Giống và kỹ thuật làm giống
• Cà độc dược được nhân giống bằng hạt. Hạt giống được thu từ những cây khỏe, sạch bệnh và 8 – 10 tháng tuổi. Khi quả bắt đầu chuyển màu xanh sang màu vàng nhạt là hạt đã chín, thu hạt làm giống. Hạt được làm sạch, phơi khô và bảo quản tại nơi khô thoáng. Hạt giống cà độc dược có thể duy trì tỷ lệ nảy mầm cao sau 3 – 4 năm khi được bảo quản ở điều kiện thường.
• Lượng giống sử dụng cho 1ha từ 2,5kg – 4,0kg.
• Nhiệt độ thích hợp cho hạt nảy mầm từ 15 – 20oC. Gieo vào tháng 2 – 3 hàng năm.
• Có thể gieo hạt trực tiếp trên ruộng hoặc gieo ở vườn ươm. Sau 35 – 40 ngày gieo, khi cây cao 20 cm, có 3 – 4 lá thật có thể đem trồng.
c. Thời vụ trồng
Thời vụ chính gieo hạt vào mùa xuân tháng 2 đến tháng 3 hoặc gieo vào mùa thu đông tháng 10 đến tháng 1a.
Thời vụ trồng mùa xuân: Từ tháng 3 đến tháng d.
Thời vụ trồng mùa đông: Từ tháng 11 đến tháng 1b.
d. Kỹ thuật làm đất
Đất trồng cà độc dược là các loại đất có thành phần cơ giới nhẹ, đất pha cát nhiều mùn, dễ tưới tiêu.
Làm luống: Đất được cày bừa kỹ nhặt sạch cỏ dại, đánh luống rộng 100 – 120 cm, cao 20 – 25 cm dễ thoát nước.
e. Mật độ, khoảng cách trồng Mật độ trồng: 17.800 cây /ha. Khoảng cách trồng: 80 x 70 cm.
============================
Kỹ thuật trồng cây thuốc (2013) TSKH Nguyễn Minh Khởi, TS Nguyễn Văn Thuận – ThS. Ngô Quốc Luật cùng các nhà khoa học khác của Viện dược liệu