
BỒ CÔNG ANH
Tên khoa học: Lactuca indica L.
Họ: Cúc (Asteraceae).
Tên khác: Cây mũi mác, diếp dại, diếp trời, rau bồ cóc, rau mét, lin hán (Tày)…
Tên vị thuốc: Bồ công anh.
Phần 1: Đặc điểm chung
a. Nguồn gốc, phân bố
Lactuca L. là một chi tương đối lớn, gồm những cây sống một năm, vài loài sống nhiều năm, phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới và Á
nhiệt đới Bắc bán cầu. Ở Ấn Độ có khoảng 25 loài, Việt Nam cũng có hơn 10 loài. Trong đó, bồ công anh có lẽ là loài phân bố rộng, ở hầu hết các tỉnh từ miền núi đến đồng bằng.
Cây cũng gặp ở nhiều nơi khác như đông Siberi, Đài Loan, miền nam Trung Quốc, Lào, Nhật Bản, Philippin và Inđônêxia.
b. Đặc điểm thực vật
Bồ công anh là cây thân thảo, thân nhẵn, thẳng, chiều cao cây từ 0,6 – 1,0 m có khi đến 2,0 m và ít phân cành. Lá mọc so le, lá ở dưới thuôn dài, xẻ thuỳ không đều, hẹp và sâu, thùy nhỏ và thùy lớn xen kẽ nhau, mép có răng cưa, gốc tù, đầu nhọn, các lá ở giữa và ở trên ngắn và hẹp hơn, có ít răng hoặc hoàn toàn nguyên. Gần như không có cuống lá. Cụm hoa đầu hợp thành chùy dài 20 – 40 cm, mọc ở thân và kẽ lá, phân nhánh nhiều, tổng bao hình trụ, mỗi đầu có 8 – 10 hoa màu vàng hoặc màu vàng nhạt, tràng hoa có lưỡi dài, ống mảnh, nhị 5, bao phấn có đỉnh rất tròn, vòi nhụy có gai. Mùa hoa tháng 6 – 7. Quả bế, mùa quả tháng 8 – 9. Hạt màu đen, có mào lông trắng nhạt, 2 cạnh có cánh, 2 cạnh khác giảm thành một đường lồi.
c. Điều kiện sinh thái
Bồ công anh là cây ưa ẩm và ưa sáng thường mọc ở những nơi đất tương đối màu mỡ, nhất là các bãi bồi ven sông, vườn bỏ hoang hoặc nương rãy, ven đường, các sườn đồi nhiều nắng. Cây sinh trưởng mạnh trong mùa hè, ra hoa quả vào mùa thu và sau đó tàn lụi. Nhiệt độ thích hợp 20 – 35oC, độ ẩm 85 – 90%.
d. Giá trị làm thuốc
Bộ phận sử dụng: Phần thân, lá bồ công anh được phơi khô.
Công dụng: Thanh nhiệt, giải độc, tiêu viêm. Bồ công anh thường được dùng điều trị tỳ vị có hỏa uất, sưng vú, áp xe, tràng nhạc, mụn nhọt, tắc tia sữa, viêm tuyến vú, nhiễm trùng đường tiết niệu, đau dạ dày. Ngày dùng từ 8 – 30g dược liệu khô, dạng thuốc sắc. Đắp ngoài trị mụn nhọt, sưng vú, tắc tia sữa.
Phần II: Kỹ thuật trồng trọt
a. Chọn vùng trồng
Đất thịt, đất thịt nhẹ, đất cát pha, đất phù sa, đất ven sông, đất nương rẫy đều có thể trồng được bồ công anh. Chọn đất có độ pH 6,6
7,5, độ cao không quá 1.500m so với mực nước biển.
b. Giống và kỹ thuật làm giống
Bồ công anh thường nhân giống bằng hạt. Phương pháp nhân giống này cho hệ số nhân giống cao do đó trong thực tế người dân thường sử dụng phương pháp này.
• Kỹ thuật làm giống: Thu hoạch hạt vào tháng 8 – 9, thu lấy quả chín đem về phơi khô, sàng sẩy làm sạch hạt giống, loại bỏ tạp chất. Độ ẩm không quá 7% cho vào bảo quản túi nilon đến vụ xuân mang ra gieo. Tỷ lệ mọc mầm khá cao đạt 80 – 90 % nếu bảo quản tốt.
Bồ công anh nảy mầm khá nhanh nên thường gieo trực tiếp trên ruộng không qua vườn ươm nhưng khi có ít giống nên gieo qua vườn ươm để tiết kiệm giống, thời gian vườn ươm từ lúc hạt nảy mầm đến khi đưa ra trồng khoảng 20 – 25 ngày.
• Tiêu chuẩn cây giống bồ công anh: Cây giống khoẻ mạnh, không bị sâu bệnh. Chiều cao cây 10 – 15 cm. Trồng cây khi cây con có từ 4 – 6 lá thật.
c. Thời vụ trồng
Thời vụ gieo trồng ở miền Bắc Việt Nam vào mùa xuân, từ tháng 3 – 4. Ở miền Nam vào mùa mưa từ tháng 4 – 5.
d. Kỹ thuật làm đất
Đất được cày sâu 20 – 25 cm, để ải, bừa kỹ, làm nhỏ đất, nhặt sạch cỏ dại, chia luống rộng 1,0 – 1,2 m. Bón toàn bộ phân lót, lên luống cao 15 – 20 cm, rộng 70 – 80 cm, rãnh rộng 30 – 40 cm, độ dài tuỳ thuộc địa hình của ruộng trồng. Có thể rạch thành hàng để gieo hoặc gieo vãi trên mặt luống sau đó tỉa định cây.
• Mật độ, khoảng cách trồng Mật độ trồng 250.000 cây/ha
Khoảng cách trồng: 20 x 20 cm
============================
Kỹ thuật trồng cây thuốc (2013) TSKH Nguyễn Minh Khởi, TS Nguyễn Văn Thuận – ThS. Ngô Quốc Luật cùng các nhà khoa học khác của Viện dược liệu