
Bán Hạ Nam
Tên khoa học: Typhonium trilobatum (L.) Shott.
Họ: Ráy (Araceae).
Tên khác: Củ chóc, nam tinh, ba chìa, bán hạ ba thùy.
Tên vị thuốc: Bán hạ.
Đặc điểm chung
a.Nguồn gốc, phân bố
Cây bán hạ nam phân bố nhiều ở Trung Quốc, cây mọc hoang và trồng làm dược liệu. Nhân dân Trung Quốc coi bán hạ nam được sản xuất ở các tỉnh Hồ Bắc, Hồ Nam, An Huy, Sơn Đông có chất lượng tốt nhất. Ở Việt Nam, bán hạ nam mọc hoang ở nhiều nơi. Tại Hưng Yên, nhân dân đã tiến hành trồng bán hạ nam lấy dược liệu.
b. Đặc điểm thực vật
Bán hạ nam là loại thân thảo, sống lâu năm, cao khoảng 20 – 30 cm. Củ hình tròn cầu hoặc tròn dẹt. Lá mọc từ củ, có cuống dài, về mùa xuân cây mọc 1 – 2 lá, dài 3 – 33 cm, lá đơn chia làm 3 thùy, tùy theo tuổi cây mà lá mọc có khác nhau về hình dạng, cuống lá dài, lá màu xanh, nhẵn bóng không có lông, lúc cây còn nhỏ lá đơn, hình trứng hay hình tim, đuôi nhọn mép lá nguyên hoặc hơi có làn sóng, gốc lá hình mũi tên, cây 2 – 3 năm tuổi lá có 3 thùy, hình bầu dục hay hình kim phình giữa, hai đầu nhọn. Cây 2 – 3 năm tuổi mới có hoa, hoa hình bông nở vào đầu mùa hạ, hoa có bao lớn, bao màu xanh, hoa cái mọc ở phía dưới, màu xanh nhạt, hoa đực mọc ở bên trên, màu trắng, đài nhỏ. Quả mọng hình bầu dục, dạng trứng.
c. Điều kiện sinh thái
Bán hạ nam là cây có khả năng thích ứng rộng, có thể trồng ở cả 3 vùng khí hậu đồng bằng, trung du và miền núi dưới 1.000 m. Cây phát triển tốt ở nơi có nhiệt độ trung bình từ 15 – 30oC. Lượng mưa hàng năm 1.000 – 1.500 mm.
Đất trồng thích hợp là đất phù sa pha cát, ở nơi cao ráo, dễ thoát nước, đất rừng mới khai hoang đều thích hợp. Đất trồng có pH từ 6,0 – 8,0. Ở các loại đất trồng khác bán hạ nam vẫn phát triển được, thậm chí bán hạ nam mọc hoang nhiều nơi ở nước ta, những nơi ẩm ướt và có bóng mát vào mùa hè.
d. Giá trị làm thuốc
. Bộ phận sử dụng: Phần thân củ.
. Công dụng: Trong Đông y, sử dụng thân củ bán hạ nam làm thuốc trị ho suyễn, khí nghịch do đàm thấp thủy ẩm, thấp trệ trung tiêu, nôn mửa bụng đầy, đinh nhọt, sưng tấy, dùng sống tán bột, đắp ngoài.
Kỹ thuật trồng trọt
a.Chọn vùng trồng
Cây bán hạ nam sinh trưởng tốt ở nơi ẩm ướt, có bóng râm. Khu vực trồng dược liệu có năng suất tốt nhất là đồng bằng, những nơi đất giàu dinh dưỡng, phù sa ven sông. Thích hợp đất có pH trung tính hay hơi kiềm.
a. Giống và kỹ thuật làm giống
.Loại giống: Hiện nay ở nước ta đang tồn tại 3 loại bán hạ: Bán hạ Sa Pa, bán hạ dại, bán hạ nam. Trong trồng trọt hiện nay, ở nước ta chủ yếu dùng loại bán hạ nam nên phải chọn đúng loài bán hạ nam theo các đặc điểm sinh học nêu trên mới cho năng suất cao, chất lượng tốt.
.Bán hạ nam có thể nhân giống bằng hạt, chồi và bằng củ. Trong đó, cách nhân giống bằng củ thường được sử dụng và có hiệu quả nhất.
.Nhân giống bằng củ: Cây bán hạ nam sinh trưởng, phát triển ngoài củ cái thường có thể mọc đến 7 – 10 củ con (dảnh nhỏ) các dảnh này được sử dụng làm giống rất tốt.
.Lượng giống cần cho 1 ha là: 500 – 550 kg/ha.
.Tiêu chuẩn củ giống: Chọn các dảnh từ cây mẹ khỏe mạnh, không sâu bệnh, có kích thước 0,5 – 1,0 cm, không bị xây xát làm giống.
.Thời vụ gieo trồng
Bán hạ nam mỗi năm có thể được trồng từ 2 – 3 vụ, sau trồng từ 3 – 4 tháng thì được thu hoạch. Thời vụ trồng chính là tháng 2 – 3, thu hoạch tháng 6 – 7.
b. Kỹ thuật làm đất
.Chọn đất thịt nhẹ (tốt nhất là đất phù sa ven sông suối). Tưới tiêu thuận lợi, độ pH 6,0 – 8,0, tầng canh tác dày.
.Đất được cày bừa kỹ, làm sạch cỏ dại, chia luống rộng 1,0 – 1,2 m, mặt luống còn rộng 70 – 80 cm. Luống cao 25 – 30 cm, chiều dài luống tùy theo ruộng.
.Mật độ, khoảng cách trồng
Mật độ: 330.000 cây/ha.
Khoảng cách trồng: 20 x 15 cm.
============================
Kỹ thuật trồng cây thuốc (2013) TSKH Nguyễn Minh Khởi, TS Nguyễn Văn Thuận – ThS. Ngô Quốc Luật cùng các nhà khoa học khác của Viện dược liệu