
BAN ÂU
Tên khoa học: Hypericum perforatum L.
Họ: Ban (Hypericaceae).
Tên khác: Cỏ thánh John (St.John`s Wort); cỏ Tipton, cỏ Klamath
Tên vị thuốc: Ban.
Hoa ban Âu
Đặc điểm chung
a. Nguồn gốc, phân bố:
Cây ban Âu (Hypericum perforatum L.) có nguồn gốc từ châu Âu. Cây phân bốrông̣ ởnhiều vùng trên khắp thếgiới như các vùng cận nhiệt đới, Bắc Mỹ, Nhật Bản, Australia, Châu Âu, Tiểu Á, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.
Việt Nam, cây ban Âu được nhập nội và đưa vào trồng trọt tại các tỉnh miền núi phía Bắc từ năm 2004.
b. Đặc điểm thực vật:
Ban Âu là cây sống 1 – 2 năm, cao từ 0,3 m đến 1,0m. Thân cây thẳng, thân gỗ, nhiều nhánh và phân nhánh từ nửa thân phía trên của cây. Từ một gốc có thể mọc ra nhiều thân (có thể tới 30 thân). Lá cây mọc đối, không cuống, hình dạng hơi thuôn, dài 1,5 – 3 cm, rộng 1,5 – 5 mm, màu vàng xanh với những chấm nhỏ trong suốt xuyên qua mô và có một vài chấm đen ở mặt dưới của lá. Cây có rất nhiều hoa (khoảng 25 – 100 hoa) mọc thành chùm ở ngọn và đỉnh cành. Đường kính hoa khoảng 2 cm, có 5 cánh, màu vàng sáng với những chấm đen nổi bật. Quả dài 5 – 10 mm, chia làm 3 ngăn, có nhiều hạt, là dạng quả có đầu dính. Hạt dài 1 mm. Mùa ra hoa từ tháng 4 – tháng 6, mùa ra quả từ tháng 8 – 10.
c. Điều kiện sinh thái:
Ban Âu thích hợp với khí hậu mát và ẩm. Cây phát triển tốt ở độ cao vài trăm mét so với mực nước biển, ở độ cao 1100 m cây bắt đầu kém phát triển. Ở độ cao trên 1.500 m có nhiệt độ quá thấp, mùa sinh trưởng ngắn nên hạn chế sự sinh trưởng và tồn tại của cây.
Cây phát triển mạnh ở những vùng có lượng mưa nhiều vào mùa mưa hoặc mùa hè. Độ cao trên 1.500 m, lượng mưa ít hơn 500 mm và nhiệt độ trung bình ngày của tháng 24oC được xem là giới hạn ngưỡng cho cây phát triển. Cây đòi hỏi ánh sáng nhiều để phát triển nên thường phát triển tốt ở những đồng cỏ trống, rừng thưa…
Ban có thể trồng được ở nhiều loại đất khác nhau nhưng phát triển tốt nhất ở vùng đất có cấu trúc thô, thoát nước tốt, đất có độ chua nhẹ đến trung tính (pH 5,0 – 6,5).
d. Giá trị làm thuốc
Bộ phận sử dụng: Phần trên mặt đất được thu hoạch khi cây bắt đầu ra hoa.
Công dụng: Dùng điều trị bệnh trầm cảm. Ngoài ra ban còn được dùng làm thuốc trị bệnh gan, thuốc chống viêm, kháng khuẩn, chữa bỏng, chống virus, chống nghiện rượu …
Kỹ thuật trồng trọt
a.Chọn vùng trồng
Vùng trồng thích hợp cho cây ban Âu là những nơi có điều kiện khí hậu mát như Tam Đảo, Sa Pa. Cây sinh trưởng, phát triển tốt, cho ra hoa, kết quả và thu được hạt làm giống.
b. Giống và kỹ thuật làm giống
.Giống: Ban Âu tái sinh bằng hạt và chồi mọc từ rễ phụ. Hạt ban Âu nảy mầm vào mùa thu, mùa đông và xuân. Hạt sau khi thu hoạch 12 tháng sẽ cho tỷ lệ nảy mầm 80 – 83 %.
.Lượng giống cần cho 1 ha: Từ 1,0 – 1,5 kg với khối lượng 1000 hạt là 0,1g.
.Kỹ thuật làm giống: Đất cày bừa kỹ, đập đất nhỏ tơi, nhặt sạch cỏ. Lên luống cao 20 cm – 25 cm, mặt luống 90 – 100 cm, rãnh 30 cm. Sau khi lên xong luống, san phẳng mặt luống, trộn hạt với cát ẩm để gieo cho đều. Hạt gieo trên mặt luống, dùng đất bột phủ lấp hạt, tưới nước giữ ẩm hàng ngày. Sau khi gieo 65 – 70 ngày hạt mọc và sau 135 ngày có thể đem trồng.
.Tiêu chuẩn cây giống: Cây con có chiều cao 5,5 cm – 6,0 cm và 5 – 6 đôi lá thật được đem trồng ở ruộng sản xuất.
c. Thời vụ trồng
Thời vụ thích hợp trồng ban Âu tại Tam Đảo: Từ 15/09 đến 15/10.
d. Kỹ thuật làm đất
Đất vườn ươm nên chọn nơi gần ruộng trồng, có thể ở một góc ruộng, gần nguồn nước tưới, tốt nhất là loại đất nhẹ, tầng canh tác có thể không sâu, nhưng có điều kiện tưới tiêu tốt. Đất được cày sâu, bừa kỹ, nhặt hết cỏ dại, lên luống rộng từ 90 – 100 cm, cao 20 – 25 cm, rãnh thoát nước lớn.
Đất trồng cây con cần cày bừa kỹ, đập đất nhỏ tơi, sạch cỏ. Lên luống cao 20 – 25 cm, mặt luống rộng 80 cm, rãnh rộng 30 cm. Sau khi san phẳng mặt luống, nếu đất khô cần tưới ẩm mặt luống trước khi trồng.
.Mật độ, khoảng cách trồng Mật độ 250.000 cây/ha.
Khoảng cách trồng: 20 x 20 cm.
. Phân bón và kỹ thuật bón phân
Thời kỳ bón:
Bón lót: Toàn bộ phân chuồng hoai mục + lân.
Bón thúc lần 1: Khi cây hồi xanh.
Bón thúc lần 2: Sau trồng 30 ngày.
Bón thúc lần 3: Sau trồng 60 ngày.
============================
Kỹ thuật trồng cây thuốc (2013) TSKH Nguyễn Minh Khởi, TS Nguyễn Văn Thuận – ThS. Ngô Quốc Luật cùng các nhà khoa học khác của Viện dược liệu