Cứ mỗi độ xuân về, mẹ thiên nhiên lại ưu ái tặng cho núi rừng sự rực rỡ, tinh khôi của muôn hoa. Đặc biệt trong tháng 3 này chúng ta có thể kể đến các đại diện tiêu biểu như hoa đào, hoa mận, hoa gạo. Thế nhưng, ít ai biết rằng chúng cũng là một vị thuốc chữa bệnh hữu hiệu.
1. Hoa đào rừng
Theo Đông y, hoa đào có vị đắng, tính bình, không độc. Hoa đào được dùng để chữa thủy thũng, cước khí, đàm ẩm, tích trệ, đại tiểu tiện bất lợi, kinh bế, đau vùng tim, mụn nhọt,… Ngoài ra hoa đào còn được dùng để làm đẹp rất hiệu quả.
Một số bài thuốc chữa bệnh từ hoa đào rất công hiệu như sau: Để chữa rụng tóc, hói đầu người ta dùng bột hoa đào trộn đều với mỡ lợn hoặc dầu vừng rồi bôi lên vùng tổn thương sau khi đã rửa sạch bằng nước hòa với tro của rơm rạ. Khi bị kiết lỵ dai dẳng thì ta lấy 10- 15 bông sắc uống, mỗi ngày 3 lần để chữa bệnh. Táo bón cũng có thể chữa bằng cách sắc 10g hoa đào khô kết hợp với 30g hoa đào tươi để uống. Kết hợp với ăn bánh mỳ hoa đào cho hiệu quả rất cao.
2. Hoa mận
Hoa mận từ lâu đã được Đông y sử dụng trong các bài thuốc chữa viêm trùng phổi, viêm họng, phù thũng, đau răng,…
Một số bài thuốc từ hoa mận như sau: Đầu tiên bạn giã nát hoa mận trộn với sữa, bôi lên mặt hàng ngày sẽ làm da mặt mịn màng, mất hoặc giảm các vết rám đen, tàn nhang. Dùng rễ cây hoa mận chữa đau răng cũng rất hiệu quả. Bạn hãy dùng 30g rễ mận sắc đặc với 100ml nước, sau đó lấy nước này ngậm 5- 7 phút vào buổi sáng, chiều, tối trước khi đi ngủ.
3. Hoa gạo
Theo Đông y, vỏ thân cây hoa gạo có vị cay, tính bình, thường dùng để chữa các chứng bệnh như viêm loét dạ dày, tiêu chảy, viêm đau khớp, chấn thương bong gân, gãy xương…
Một số bài thuốc từ hoa gạo như: Hạ sốt cho trẻ em bằng cách dùng bài thuốc sắc từ 6g hoa gạo chế thêm chút đường phèn, chia uống vài lần trong ngày. Ngoài ra, bạn có thể giảm đau nhức xương khớp, đau cơ bằng cách lấy 50g vỏ thân cây gạo tươi, cạo bỏ lớp vỏ bẩn bên ngoài, thái mỏng, giã nát, thêm giấm thanh, trộn đều rồi băng đắp vào chỗ đau.