
Kiểm tra và phân loại
Nguồn dược liệu cần được kiểm tra và phân loại trước khi sơ chế. Công tác kiểm tra bao gồm:
- Kiểm tra bằng mắt để xem có bị ô nhiễm chéo hay không.
- Kiểm tra bằng mắt để loại tạp chất.
- Đánh giá cảm quan về ngoại dạng (hình thái), mức độ hư hỏng, kích cỡ, màu sắc, mùi, vị khả dĩ có.
Sơ chế
Áp dụng các biện pháp sơ chế thích hợp tuỳ theo từng loại dược liệu. Cần thực hiện quá trình này theo đúng quy trình và các tiêu chuẩn, quy định và chỉ tiêu về chất lượng của quốc gia và khu vực
Nguyên liệu cần được tháo dỡ ngay sau khi vận chuyện đến cơ sở chế biến. Trước khi chế biến cần bảo vệ dược liệu khỏi bị ảnh hưởng của các điều kiện thời tiết, môi trường và các tác động khác lên chất lượng của dược liệu.
Các dược liệu phải sử dụng tươi thì cần được thu hoạch hay thu hái và vận chuyển ngay đến cơ sở sản xuất càng nhanh càng tốt để ngăn sự lên men do vi khuẩn và sự giảm phẩm chất do nhiệt. Cần tránh sử dụng các chất bảo quản. Nếu cần thiết dùng, phải theo đúng quy định của quốc gia và khu vực áp dụng cho nhà trồng trọt hoặc người thu hái và người sử dụng cuối cùng. Lưu hồ sơ về quá trình sử dụng chất bảo quản.
Cần phải kiểm tra tất cả các dược liệu trong từng công đoạn sơ chế. Loại bỏ những sản phẩm kém phẩm chất hay tạp chất.
Tất cả các dược liệu đã chế biến cần được bảo vệ để tránh ô nhiễm và phân hủy cũng như khỏi bị côn trùng, loại gặm nhấm, chim và các loại có hại khác hay thú nuôi và gia súc làm hư hại.
Làm khô
Khi dược liệu được yêu cầu bảo quản ở dạng khô thì cần giữ độ ẩm của dược liệu ở mức càng thấp càng tốt và tùy theo từng loại dược liệu.
Có thể làm khô cây thuốc bằng một số phương pháp truyền thống hoặc phương pháp hiện đại. Tuy nhiên cần khống chế nhiệt độ và độ ẩm thích hợp để tránh làm hỏng các hợp phần hoá học.
Nên tránh phơi dược liệu trực tiếp lên đất trống không che phủ cũng như nền bê tông. Khi sử dụng nền đất hay ximăng để phơi dược liệu thì phải có một lớp lưới nilon để lót dưới đáy. Các khu vực phơi dược liệu cần cách ly các loài côn trùng, loài gặm nhấm…
Nếu sấy khô trong nhà thì cần xác định thời gian, nhiệt độ sấy, độ ẩm và các điều kiện khác căn cứ theo từng bộ phận cây thuốc và thành phần hoạt chất dễ bay hơi như tinh dầu.
Nếu sử dụng các nguồn nhiệt có khói để sấy dược liệu thì không để khói tiếp xúc với dược liệu khi sấy. Đặc biệt là các nguồn nhiệt sinh khói có tính độc cao.
Đặc chế
Với những dược liệu cần được đặc chế thì cần tuân thủ theo quy trình đạt tiêu chuẩn quy định. Quy trình chế biến bao gồm việc tạo hình dạng, bó và làm khô theo cách đặc biệt. Xử lý kháng khuẩn cho dược liệu bằng những phương pháp khác nhau, gồm cả việc chiếu xạ, phải được khai báo lưu hồ sơ và phải dán nhãn trên dược liệu theo yêu cầu. Chỉ có các nhân viên đã được đào tạo thích hợp mới được thực hiện áp dụng các phương pháp nói trên và họ phải thực hiện theo đúng các quy trình chuẩn.
Cơ sở chế biến
Khi xây dựng cơ sở chế biến dược liệu cần lưu ý các đặc điểm:a
Địa điểm: Tốt nhất là nằm trong khu vực thuộc phạm vi vùng trồng cây dược liệu và không bị các tác nhân gây ô nhiễm tấn công.
Đường và vấn đề giao thông: Cơ sở chế biến nên nằm gần hoặc tiếp giáp với đường giao thông đảm bảo tiêu chuẩn và có quy định làm vệ sinh.
Nhà xưởng: Nhà xưởng phải đảm bảo về mặt kết cấu hạ tầng và
đảm bảo về vấn đề vệ sinh. Vật liệu xây dựng phải không làm ảnh hưởng tới chất lượng của dược phẩm. Nhà xưởng cần đảm bảo:
a. Có đủ không gian làm việc và nhà kho nhằm thực hiện được tất cả các hoạt động một cách thoả đáng.
a. Tạo điều kiện dễ dàng cho các hoạt động hiệu quả và hợp vệ sinh.
c. Có thể khống chế nhiệt độ và độ ẩm một cách thích hợp.
d. Cách ly đối với các tác nhân gây ô nhiễm nhất là có thể cách ly các khu vực có bụi bẩn.
Đóng gói và dán nhãn hàng khối
Nguyên liệu cây thuốc đã được chế biến nên đóng gói càng nhanh càng tốt để tránh sự xâm hại của các nguồn gây ô nhiễm. Nên thực hiện quá trình kiểm tra và loại bỏ những sản phẩm kém chất lượng trong suốt từ trước và sau khi đóng gói. Vật liệu dùng để đóng gói phải sạch và không có khả năng gây ô nhiễm. Nguyên liệu cây thuốc dễ vỡ nát phải được đóng trong đồ đựng cứng.
Tất cả vật liệu dùng để đóng gói dược liệu phải làm sạch kỹ, khử trùng và làm khô trước khi sử dụng.
Nhãn gắn vào bao bì phải cho biết rõ ràng tên khoa học của cây thuốc, bộ phận dùng, nơi xuất xứ (địa điểm trồng hay thu hái), ngày trồng trọt hay thu hái và tên của người trồng hay người thu hái và người chế biến và thông tin định lượng.
Nhãn phải mang một số xác nhận rõ ràng lô sản xuất. Có thể thêm các thông tin bổ sung về các thông số sản xuất và chất lượng của nguyên liệu cây thuốc.
Bảo quản và vận chuyển
Phương tiện vận chuyển phải được làm sạch giữa hai lần bốc dỡ vận chuyển và đảm bảo thông gió tốt để làm mất hơi ẩm.
Phải áp dụng các biện pháp an ninh thích hợp cho việc bảo quản và vận chuyển riêng theo cách bảo đảm sự an toàn .
Nguyên liệu tươi phải được bảo quản ở nhiệt độ thấp thích hợp, lý tưởng là ở 2 – 8oC, sản phẩm đông lạnh phải bảo quản ở – 20oC.
Kỹ thuật trồng cây thuốc (2013) TSKH Nguyễn Minh Khởi, TS Nguyễn Văn Thuận – ThS. Ngô Quốc Luật cùng các nhà khoa học khác của Viện dược liệu