
Phương pháp kiểm tra có thể bằng những quan sát đo đếm trực tiếp, thông qua các phương pháp vật lý, hóa học, sinh vật hoặc cảm quan để đánh giá.
Tuy nhiên khi tiến hành kiểm nghiệm trong phòng và ngoài đồng ruộng cần phải tuân theo các nguyên tắc và thủ tục tiến hành chung cho các loại kiểm nghiệm như: Yêu cầu sự đồng đều của lô hạt giống, lấy mẫu và các thủ tục lấy mẫu, các quy định khi quan sát về các cây mẫu, hạt v.v… cũng như tính toán các kết quả kiểm nghiệm.
Trước khi lấy mẫu hạt giống để kiểm nghiệm, chúng ta cần hiểu một số thuật ngữ thường dùng trong lấy mẫu.
1. Lô hạt giống: Là toàn bộ hạt giống của một cây giống nào đó mà người ta biết đến nguồn gốc lịch sử và được xác nhận một số thông tin nhất định.
Yêu cầu của lô hạt giống trước khi tiến hành lấy mẫu là phải đồng đều, lô phải có đánh số và được ghi nhãn. Khối lượng của lô lớn nhỏ tùy thuộc và từng loại hạt giống như một số cây trồng: ngô, lúa mỳ, lúa nước không được vượt quá 20.000 kg. Các loại hạt: Cao lương, kê và một số hạt tương đương tối đa là 10.000 kg, còn cây thuốc khối lượng nhỏ hơn nhiều.
Mẫu gốc: Bao gồm nhiều mẫu nhỏ của phần hạt giống đã lấy mẫu từ các vị trí khác nhau của lô hạt giống, được trộn đều lại tạo thành mẫu gốc.
Mẫu hỗn hợp: Tất cả các mẫu gốc lấy từ các thành phần khác nhau của lô hạt giống, được trộn đều lại tạo thành mẫu hỗn hợp.
Mẫu đại diện: Là một phần của mẫu hỗn hợp để gửi đến cơ sở kiểm nghiệm hạt giống. Mẫu đó đôi khi có thể giống mẫu hỗn hợp, đó là trường hợp mẫu hỗn hợp không quá nhiều mà vừa đủ để làm thành mẫu đại diện. Khi mẫu hỗn hợp nhiều quá có thể giảm bớt đi một nửa theo cách chia ngẫu nhiên.
Các phương pháp lấy mẫu
Mẫu có thể lấy trong giai đoạn chế biến gia công, bán hạt giống hoặc trước khi vào vụ gieo trồng. Lấy mẫu sau khi hạt giống đã được làm sạch, phân hạng v.v…
Trong quá trình vận chuyển từ nơi này đến nơi khác để phục vụ cho quá trình gieo trồng, hạt giống thường đựng trong bao chất đống trên sàn ô tô hay có thể đổ đống trên sàn kho. Các mẫu lấy để kiểm nghiệm có thể lấy ở hầu hết các chỗ của tất cả các phần trong lô hạt giống. Hạt giống lấy mẫu phải được chứa đựng trong một loại bao bì như nhau.
Khối lượng tối đa của lô hạt giống là 1 tấn, khối lượng mẫu lấy đại diện chỉ có 1 kg. Tỷ lệ khối lượng tối đa của mẫu đại diện đối với tỷ lệ hạt giống trong lô chỉ là 1/1000, vì thế mẫu đã lấy phải đại diện được cho lô hạt giống. Sử dụng các phương pháp lấy mẫu đúng sẽ giúp cho kiểm nghiệm đạt kết quả tốt, người ta có thể sử dụng các phương pháp sau đây:- Lấy mẫu bằng tay:
Phương pháp này có thể hoàn toàn chủ động để lấy được một cách cẩn thận, nhưng do tay của người quá ngắn chỉ có thể lấy được từ nửa bao trở lên và xuyên qua theo độ sâu của bao khoảng 40 cm. Để khắc phục điều này có thể đổ bao ra sàn để lấy mẫu. Phương pháp này được tiến hành như sau:
Bàn tay xòe ra với các ngón tay duỗi thẳng và đẩy vào trong hạt giống, sau đó nắm lấy hạt và lấy ra ngoài. Các ngón tay sẽ nắm chắc như vậy để không một hạt giống nào ở trong mẫu được rơi ra ngoài.
– Lấy mẫu bằng dụng cụ cầm tay:
Dùng các loại xiên để lấy mẫu. Các loại xiên này có thể có độ dài từ 50 – 100 cm, có đường kính 1,8 – 2,5 cm. Xiên có thể làm bằng sắt hoặc tôn, xiên có cấu tạo như chiếc xilanh, nhọn một đầu còn một đầu có tay cầm, gồm hai ống tròn, ống tròn bọc ngoài có từ 3 – 6 lỗ, lỗ rộng tối thiểu 20 mm. Khi lấy mẫu, dùng xiên xiên vào trong bao hạt giống. Dùng tay quay ống tròn bên trong và các lỗ được mở ra, hạt giống rơi vào đầy các lỗ, từ từ kéo xiên ra ngoài và đổ hạt giống vào các khay đựng hạt. Các bao giống đã lấy mẫu bằng xiên phải dán kín lại nếu là bao bằng các chất dẻo, hoặc xâu lại nếu là bao gai hoặc dứa.
Trước khi lấy mẫu phải vệ sinh sạch sẽ các xiên lấy mẫu.
Ngoài các phương pháp trên, ở một số nước có nền nông nghiệp tiên tiến, người ta có thể lấy mẫu tự động, kết hợp trong quá trình chế biến khi đóng bao bằng máy.
Kỹ thuật trồng cây thuốc (2013) TSKH Nguyễn Minh Khởi, TS Nguyễn Văn Thuận – ThS. Ngô Quốc Luật cùng các nhà khoa học khác của Viện dược liệu